Hướng dẫn chi tiết cách đi tàu điện ở Singapore

by ThuTrang
di chuyển tàu điện ở Singapore

Với một đất nước phát triển và có hệ thống giao thông công cộng hiện đại của Singapore. Có bạn nào đang phân vân về cách đi lại khi lần đầu đến đây không? Sau khi tự trải nghiệm ở bên đó về, giờ mình sẽ có bài viết “Hướng dẫn đi tàu điện ở Singapore” một cách chi tiết nhất để các bạn tham khảo nha.

Tàu điện hay còn gọi là MRT

Tàu điện ở Singapore gồm tàu điện trên cao (ngoài trời) và tàu điện ngầm (dưới mặt đất). Và tên gọi chung của tàu điện là MRT (viết tắt của từ Mass Rapid Transport). Đây là phương tiện được dùng nhiều nhất của người bản địa và khách du lịch. Bởi vì sự thuận tiện và chi phí đi lại rất phù hợp.

Mục lục đọc nhanh:

  1. Cách di chuyển từ sân bay Changi vào trung tâm
  2. Hướng dẫn cụ thể cách đi MRT
  3. Bonus: cách đi bus

Cách di chuyển từ sân bay Changi vào trung tâm bằng MRT

Ở sân bay Changi sẽ có 4 Terminal (là nhà ga máy bay đáp xuống). Mình sẽ viết tắt Terminal là T, ký hiệu 1-2-3-4 cho 4 nhà ga. Tàu điện MRT thì chỉ có ở nhà ga T2 và T3. Vì vậy khi đáp T1 và T4 thì phải đón xe bus (miễn phí) di chuyển qua T2 hoặc T3. Qua đến T2/T3 rồi mình có thể đi MRT vào trung tâm Singapore. Cụ thể các bước như sau:

Bước 1: (đối với T1 và T4)

Hoàn tất thủ tục Hải quan và nhận hành lý trước. Sau đó đi ra khỏi cổng hỏi nhân viên hoặc người đáp cùng sân bay nơi chờ xe bus. Rồi đứng chờ bus tới và di chuyển qua T2/T3. Bus di chuyển khoảng 10 – 15 phút giữa 2 nhà ga.

Terminal 4 sân bay Changi
Băng chuyền chờ lấy hành lý ở Terminal 4

Tới nhà ga T2/T3, xuống xe đi bộ vào trong sảnh. Vừa đi vừa quan sát bảng điện tử trên cao có chữ Train To City, xong cứ thế đi theo hướng dẫn.

Nhà ga Terminal 2 đón MRT ở Singapore
Bảng điện tử có chữ Train To City hoặc những nơi cần đi

Bước 2: Mua thẻ EZ Link

Lúc xuống dưới thấy chỗ nào khách du lịch xếp hàng dài để chờ mua thẻ tàu điện thì mình tấp vào xếp hàng tiếp theo. Tại đây mình sẽ chờ mua thẻ EZ Link (thẻ này có thể sử dụng cho cả tàu điện MRT và xe bus)

du lịch Singapore
Xếp hàng chờ mua vé EZlink
  • Giá thẻ EZ link (loại thẻ phổ biến): 12SGD. Gồm: 5SGD phí làm thẻ + 7SGD tiền sẽ trừ dần cho mỗi lần đi MRT hoặc xe bus.
  • Hạn sử dụng: 5 năm. Nếu trong vòng 5 năm mình có qua lại Singapore thì không phải mất 5SGD phí thẻ nữa. Chỉ nạp thêm tiền để di chuyển đi lại, với điền kiện là bạn còn giữ thẻ nha.
thẻ EZlink đi tàu điện ở Singapore
Thẻ EZ Link xinh xắn

Sau khi mua thẻ EZ link xong mình đi đến khu vực quẹt thẻ để vào chỗ chờ tàu. Từ đầu sân bay Changi thì các bạn lên tàu bên nào cũng được (vì có 2 đường tàu).

tàu điện ngầm mrt singapore
Trạm tàu ở Sân bay Changi

Bước 3: Đổi trạm ở Tanah Merah

Tàu bắt đầu chạy đến trạm Tanah Merah tàu sẽ dừng để mọi người đổi tàu. Đoạn này MRT sẽ đi ở trên cao, các bạn có thể tranh thủ ngắm cảnh. Ah, Tanah Merah là tên trạm thứ 3 và là trạm dừng thứ 2 sau khi tàu bắt đầu chạy từ sân bay Changi.

Khi đến Tanah Merah thì xuống tàu và qua line đối diện chờ tàu đi vào trung tâm. Tới đoạn này nhiều người chạy ào qua line tàu bên cạnh lắm nên các bạn chắc không bị lỡ trạm đâu.

trạm Tanah Merah
Trạm đổi tàu để vào trung tâm Singapore

Đứng chờ 1 xíu là tàu tới, lại theo dòng người lên tàu. Lần này tàu chạy suốt tuyến và sẽ dừng nhiều trạm, trạm nào là khu bạn ở thì bạn xuống tại trạm đó.

Bước 4: Dừng ở trạm mình muốn đến

Ví dụ mình ở Bugis thì tới trạm Bugis mình rời tàu. Sau khi rời tàu mình theo dòng người đi ra máy quẹt thẻ EZ link để ra ngoài. Mỗi lần quẹt thẻ tiền sẽ được trừ tự động vào thẻ. Lúc quẹt thẻ sẽ có hiển thị số tiền còn lại nên các bạn để ý để top up – nạp tiền thêm.

Dành cho người lần đầu tiên đi tàu điện ở Singapore

Ra khỏi chỗ quẹt thẻ thì những người mới đến Singapore lần đầu như mình nên đi tìm người gác trực để hỏi họ hướng dẫn chỗ lên khỏi mặt đất cho đúng đường. Vì lúc vào thành phố thì tàu điện sẽ chạy ngầm dưới mặt đất.

Nôm na là tàu chạy dưới, còn phía trên mặt đất là các tòa nhà. Các con đường sẽ bao quanh các toà nhà đó. Và muốn đến chính xác con đường mình cần đến thì nên nhờ người gác trực. Chứ nếu nhầm là lại phải lếch bộ quay ngược lại hoặc đi vòng đuối luôn vì bên đó rất rộng. Chỉ hỏi những lần đầu và để ý tới bảng điện tử phía trên là sẽ quen cách đi cho những lần sau.

Ví dụ Hostel mình ở là nằm trên đường Beach Rd thì mình sẽ hỏi hướng lên đường đó.

Trạm Bugis - Singapore
Bảng điện tử thể hiện rõ hướng bên trên mặt đất

Hướng dẫn cách đi đến một số điểm nổi tiếng bằng MRT

Mình ở trạm Bugis nên mình sẽ bắt đầu từ trạm này hén. Các bạn ở trạm khác thì cùng theo dõi cách mình đi là có thể áp dụng theo nè. Mà có khi đọc xong bài này, các bạn cũng hình dung được cách đi tàu điện ở Singapore ngay và luôn ấy chớ.

Đi tàu điện ở Singapore có 5 line chính hay được khách du lịch dùng nhiều nhất:

  • East-West Line (EW): Màu xanh lá (tuyến này từ Tanah Merah xuyên suốt rất nhiều trạm)
  • North – South Line (NS): Màu đỏ (City Hall, Marina Bay,…)
  • North – East Line (NE): Màu tím (Clarke Quay, Little India, Chinatown,…)
  • Circle Line (CC): Màu cam (Vivo city, Botanic Garden,…)
  • Downtown Line (DT): Màu xanh da trời (Bugis, Bayfront, Chinatown,…)
Đi tàu điện ở Singapore
Bảng đồ MRT ở Singapore

Đi MRT đến Chinatown

Chinatown là điểm đi đầu tiên của mình sau khi tới Singapore. Check bản đồ MRT ở trên mình sẽ thấy có trạm DT19 và NE4. Nhìn lại chỗ mình ở là Bugis có trạm DT14, thì từ đây mình sẽ quẹt thẻ vào line DT (vì cùng line) để lên tàu.

Vì là điểm đến đầu của mình nên mình cũng hỏi người gác trực (hoặc có thể hỏi người bán vé) hướng vào Line DT chỗ nào. Nếu bạn đi đến khu/trạm khác thì cũng nên hỏi lần đầu để tránh vào nhầm Line nha. Vì những chỗ giao nhau (interchange) sẽ có nhiều Line tàu. Sau khi hỏi xong, mình đã xác định được đúng hướng rồi quẹt thẻ EZ link để vào chờ tàu.

*𝐍𝐨𝐭𝐞: Các bạn chú ý cái bảng điện tử giữa 2 đường tàu để xác định lên tàu bên nào cho đúng nha. Ví dụ, 2 đường tàu có cùng điểm đầu (A) và điểm cuối (B), nhưng 1 đường là chạy từ A tới B, 1 đường là chạy từ B tới A. Khi xác định được điểm mình cần đến theo hướng nào thì đứng vào xếp hàng chờ của hướng tàu đó nha. Thi thoảng cần check lại với người chờ bên cạnh để cho chắc chắn không bị nhầm. Thường bảng điện tử nó sẽ làm mờ các trạm tàu đã chạy qua, các trạm tiếp theo sẽ đậm rõ màu hơn.

Bảng chỉ hướng tàu chạy ở Singapore
Phần đậm màu là hướng tàu chạy tiếp, phần ẩn mờ hơn là các trạm tàu đã đi qua

Đi MRT đến Vivo city (Sentosa)

Muốn đến Vivo city để mua sắm hay ra Sentosa thì bắt tàu điện tới trạm HarbourFront (NE1/CC29). Ví dụ bạn vẫn ở trạm Chinatown (NE4) thì chọn line NE màu tím đi tiếp ra NE1.

Còn như mình ban đầu ở trạm Bugis (EW12) thì đi line xanh lá (EW) tới EW16 xuống tàu, quẹt thẻ EZlink ra ngoài. Rồi tìm Line màu tím NE3 để đến trạm HarbourFront (NE1). Khi chuyển line cần chú ý các mũi tên chỉ hướng đến line cần chuyển, Vì có Line nằm ở tầng 2 hoặc tầng 3. Với mỗi lần chuyển Line đều phải quẹt thẻ EZ link vào và ra để tính tiền cho chặng mình đã đi.

MRT in Singapore
Bảng chỉ hướng chuyển Line tàu

Đi MRT đến Clarke Quay

Clark Quay là điểm khá nổi tiếng, nhìn trên bảng hệ thống tàu điện MRT mình sẽ thấy trạm NE5 (Line màu tím). Lúc đó bạn đang ở trạm nào thì cứ dò trên MRT map thấy có line tím hoặc điểm giao nhau với line tím thì bạn lên tàu thôi. Nhưng nhớ chú ý nghe loa đọc tên điểm dừng để xuống đúng trạm nha.

Clarke Quay in Singapore
View nhìn từ Clarke Quay

Bonus: cách di chuyển bằng xe bus (xe buýt)

Mình có đi 2 lần bus nên kinh nghiệm cũng không nhiều lắm. Một lần mình đón Bus từ hostel đi công viên MacRitchie Reservoir, và một lần từ cầu Henderson Waves ra tượng sư tử Merlion. Chỉ cần xác định trạm cần đến, xong bạn đứng chờ số hiệu xe bus mình cần đi. Khi xe đến thì bạn lên xe nhớ quẹt thẻ EZlink nha. Trước khi đến trạm mình muốn thì nhớ bấm nút báo hiệu để tài xế biết để dừng nha (không bấm là bác tài cứ thế đi tiếp thôi). Xe dừng bạn xuống nhưng đừng quên quẹt thẻ EZ link rồi hẵng xuống, vì không quẹt máy sẽ tự hiểu là bạn đi hết chặng, mà hết chặng là hết tiền luôn.hihi.

Vậy là chút chia sẽ của mình về cách đi tàu điện ở Singapore đã kết thúc. Mong các bạn sẽ gặp thuận lợi trong chuyến đi ở tương lai nha.

Mời các bạn đọc thêm bài: Đi Singapore tự túc 4N3Đ

You may also like

Leave a Comment